Làm cách nào để nhận biết, phòng tránh với tin giả trên mạng?
Lượt xem:
(ĐCSVN) Bạn đọc Thanh Hương tại địa chỉ quận Đống Đa, Hà Nội hỏi: Trên mạng xã hội, người tham gia mạng xã hội ngày càng tiếp xúc nhiều với tin tức giả, chưa được xác thực, chưa được kiểm chứng. Vậy làm cách nào để nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả trên các trang mạng xã hội?
Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) đã hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả trên mạng xã hội như sau.
Theo đó, khi tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cần kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác. Hiện các chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra một số cách thức giúp người đọc có thể phát hiện tin giả thông qua 6 bước:
Bước 1: Kiểm tra xem bài viết đến từ nguồn nào?
Bước 2: Đọc kỹ trang giới thiệu để biết rõ ai đang vận hành website đó và người ta có nói rằng đây là trang châm biếm hay cố tình đăng tin giả không?
Bước 3: Kiểm tra câu trích dẫn, nếu bài viết trích dẫn lời một người nổi tiếng hoặc đến từ đại diện một cơ quan chức năng như sỹ quan cảnh sát, hãy thử gián câu đó vào công cụ tìm kiếm.
Bước 4: Kiểm tra đường link bằng cách click vào các đường link trong bài viết và kiểm tra xem link có hoạt động không hoặc có từ nguồn tin cậy không?
Bước 5: Tìm kiếm ảnh ngược với những hình ảnh và các sản phẩm khác trong bài viết.
Bước 6: Chậm lại. Nếu như câu chuyện quá hoàn hảo, quá hay tới mức khó tin hoặc khiến bạn có phản ứng xúc cảm mạnh mẽ thì hãy tỉnh trí lại một chút.
Đồng thời, khi phát hiện tin giả cần thông báo về Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam qua website: http://tingia.gov.vn, hoặc email: online.abei@mic.gov.vn. Người dân cũng có thể gọi trực tiếp báo về tin giả tới số điện thoại: 18008108.
Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức phạt tù lên đến 3 năm./.