Ranh Hạt – Nơi ra đời Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang
Lượt xem:
Ranh Hạt – Một địa danh gắn liền với những sự kiện quan trọng, ý nghĩa của Đảng bộ, quân và dân huyện Vĩnh Thuận. Nơi đây, năm 1932 đã diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ. Chi bộ Ranh Hạt ra đời năm 1932 là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.
Nguồn bài viết: Tỉnh uỷ Kiên Giang (https://www.kiengiang.dcs.vn/Tin-tuc/2022/01/ranh-hat-noi-ra-doi-chi-bo-dang-dau-tien-cua-tinh-kien-giang)
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu sự trưởng thành của cách mạng, mở ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về sự lãnh đạo của cách mạng Việt Nam.Ngay sau khi Đảng ra đời, các đảng viên cộng sản liền bắt tay vào xây dựng, phát triển tổ chức của mình. Cũng vì thế, bọn giặc truy lùng gắt gao, hòng bóp chết những nầm mống của cách mạng còn non trẻ.
Giữa năm 1931, nhiều đồng chí cách mạng từ miệt Vĩnh Long, Mỹ Tho tránh giặc truy lùng, xuống vùng kinh xáng Chắc Băng, Vĩnh Thuận, Thới Bình hoạt động. Chỉ trong thời gian ngắn, vào mùa khô cuối năm 1932, tại Ranh Hạt, ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, Chi bộ đảng được thành lập gồm 5 đồng chí. Hội nghị đã biểu quyết phân công đồng chí Quản Trọng Linh làm Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ đầu tiên trên mảnh đất Kiên Giang ngày nay.
Trong hội nghị thành lập Chi bộ, các đồng chí đề ra chủ trương trước mắt là tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cho quần chúng nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng, lãnh đạo đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực về dân sinh, dân chủ. Đồng thời phát động quần chúng nêu cao lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc; tham gia che chở, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Với cương vị là Bí thư Chi bộ, đồng chí Quản Trọng Linh đã cùng với các đảng viên trong Chi bộ tiến hành vận động quần chúng, xây dựng và phát triển cơ sở Đảng, tìm cách mở rộng liên lạc với các chi bộ khác và liên lạc với tổ chức, cơ sở đảng cấp trên. Từ năm 1932-1936, các đồng chí Chi bộ Ranh Hạt đã tuyên truyền cho hàng ngàn quần chúng ở Vĩnh Thuận và vùng U Minh, hình thành được hai tổ Nông hội đỏ ở Vĩnh Thuận và Cái Bát, xây dựng được một số quần chúng tích cực, tạo nguồn phát triển đảng.
Cùng với việc tuyên truyền, gây dựng cơ sở, Chi bộ còn chú trọng công tác bồi dưỡng chính trị cho đảng viên và quần chúng. Những tài liệu được dùng làm bài giảng là: Khát quát về tình hình thế giới và trong nước; đường lối cách mạng tư sản dân quyền của Đảng; 5 bước công tác, các bài học cơ bản của đảng viên… Qua những lớp học này, đã giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực nâng lên một bước về nhận thức, nhất là về đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng. Từ đó, giúp cho các cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia cách mạng đấu tranh với kẻ thù xâm lược; cảnh giác với những luận điệu lôi kéo, mua chuộc của địa chủ, thực dân.
Việc thành lập Chi bộ đảng đầu tiên ở Ranh Hạt là một bước ngoặt của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Đồng thời, chứng tỏ rằng ngay từ buổi ban đầu, sau khi thành lập, Đảng ta đã gây được ảnh hưởng và xây dựng được cơ sở của mình ở ngay cả những nơi xa xôi nhất ở miệt thứ U Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2010), Tỉnh ủyKiên Giang, Huyện uỷ Vĩnh Thuận khánh thành công trình khu di tích Ranh Hạt – Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Viêt Nam đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Công trình thể hiện sự tri ân của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, ghi nhận công lao to lớn của những chiến sĩ cộng sản tiền bối đối với phong trào cách mạng trong thời kỳ đầu tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là công trình mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa, có ý nghĩa giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về lịch sử và sự đấu tranh kiên cường của Đảng bộ, quân dân ta. Đây cũng là một địa chỉ truyền thống để giáo dục cho các thế hệ mai sau về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngày 17/2/2010 (nhằm ngày mùng 4 Tết Canh Dần), đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm Khu di tích Ranh Hạt. Trong niềm tự hào, xúc động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi lại cảm xúc của mình: “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những chiến sĩ cộng sản tiền bối”.
Chúng ta vô cùng trân trọng, ghi nhớ, tự hào và biết ơn sự đóng góp to lớn của những chiến sĩ cộng sản đã mang đến ánh sáng của thời đại; ươm mầm hạt giống đỏ cách mạng, thắp lên ngọn hải đăng dẫn đường đi đến những thắng lợi vinh quang, vươn tới những mùa xuân tươi đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Võ Thanh Xuân