Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập
Lượt xem:
Chỉ ít ngày sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tranh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập của tác giả Nguyễn Dương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lần đầu tiên chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân. Ngày 26/8/1945, Bác Hồ từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội, Người lập tức soạn thảo Tuyên ngôn Độc lậpđể chuẩn bị cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Căn nhà lịch sử số 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội) là nơi Bác Hồ đã ở và viết tác phẩm đặc biệt “Tuyên ngôn Độc lập” trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/1945. Lúc này Bác đang bị ốm nên gầy và yếu, có lúc Bác mệt không đi được. Nhưng Người đã cố gắng hàng ngày dậy sớm tập thể dục, sau đó ngồi vào bàn làm việc để viết Tuyên ngôn Độc lập, rồi lại thức tới khuya để sửa bản thảo.
Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã đưa ra cơ sở pháp lý và tính chính nghĩa của quyền sống, quyền bình đẳng và quyền tự do, bằng cách dẫn lại Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Đồng thời, Tuyên ngôn Độc lập lên án mạnh mẽ âm mưu tàn độc của thực dân, đế quốc, cũng như những hành động nhục nhã, đớn hèn của chúng đối với dân tộc ta. Đó là, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta; tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào; chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Bác dẫn chứng: “Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”; “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”; “Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”; “Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”; “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng”; “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”…
Tuyên ngôn Độc lập còn vạch trần hành động đê hèn của thực dân Pháp khi bán nước ta cho phát xít Nhật: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật”. Vì vậy, “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa”.
Hồ Chí Minh cũng khẳng định công lao to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranhgiành độc lập, tự do cho dân tộc: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Do “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”, nên Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”; “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.
Như vậy, có thể thấy Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ đã thể hiện tinh thần anh dũng chiến đấu của nhân dân ta từ bao đời nay, một lòng đoàn kết đánh đổ xiềng xích thực dân. Đồng thời, khẳng định xóa bỏ chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm, lập nên kỉ nguyên mới cho dân tộc; xóa bỏ mọi đặc quyền, đặc lợi và mọi liên quan với Pháp trên đất nước ta.cl
Kết thúc Tuyên ngôn Độc lập, thay mặt Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tinh thần ấy, quyết tâm ấy đã được Người thể hiện trong ngày lịch sử 2/9/1945 và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trần Anh
( Bài viết được sưu tầm trên trang Tỉnh uỷ Kiên Giang)