Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Sinh thời, Người rất coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, xem đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

4-11-21 article.jpeg

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, năm 1960. Ảnh: TL 

Trong các bài viết, nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều lần đề cập đến công tác tự phê bình và phê bình. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Người còn căn dặn trong Đảng phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” và chỉ có thông qua tự phê bình và phê bình với “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” mới giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên nhận thức rõ những ưu điểm của mình để phát huy, những hạn chế để khắc phục, qua đó mà xây dựng tập thể, cá nhân, đoàn kết, tiến bộ hơn.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tự phê bình chính là “cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm”. Còn Phê bình “là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ”. Mục đích của tự phê bình và phê bình là nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Người chỉ rõ: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc” với phương châm, “Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người“, một mặt là để sửa chữa cho nhau, một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau. Nếu biết phê bình đúng chỗ, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện của cán bộ, của Đảng càng tăng thêm. Còn đối với “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.

Người nhấn mạnh: “Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người, trước hết là mọi cán bộ, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được” và “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên – mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Bác yêu cầu “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới, phải “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Bởi vì “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình”. Làm như thế, chẳng những không ảnh hưởng gì đến uy tín của người lãnh đạo, mà trái lại còn tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng.

Thực hiện những chỉ dẫn của Bác, thời gian qua Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh phải tự phê bình và phê bình với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách” nhằm nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, như: Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05-CT/TW) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Và gần đây, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TWvà Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiếp tục đặt ra yêu cầu: đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”. Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Kiên quyết khắc phục những yếu kém, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, năng lực, thực sự tiên phong, gương mẫu. “Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đảng bộ tỉnh Kiên Giang thời gian qua, công tác tự phê bình và phê bình luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cấp ủy các cấp đã kịp thời triển khai, quán triệt và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác tự phê bình và phê bình để tổ chức thực hiện. Việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quy trình, phương pháp; bám sát nội dung yêu cầu, chú trọng làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và đề ra được biện pháp khắc phục, sửa chữa. Trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đa số cán bộ, đảng viên tham gia đều có thái độ cởi mở, thẳng thắn, chân thành trên tinh thần xây dựng, tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, qua đó làm rõ được nhiều vấn đề, nhất là phong cách, lề lối làm việc, vai trò lãnh đạo điều hành của từng cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; tạo được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế nhất định, như: tinh thần đấu tranh xây dựng nội bộ ở một số nơi chưa cao; một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đấu tranh xây dựng nội bộ; trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình vẫn còn tình trạng còn nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao…

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, trước hết, từng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải xem tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên và liên tục trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Phải chú trọng việc xác định nội dung tự phê bình và phê bình, trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát huy quyền làm chủ và chăm lo đời sống của nhân dân; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác…

Thứ hai, phát huy dân chủ trong tự phê bình và phê bình. Tạo môi trường thật sự dân chủ, cởi mở khuyến khích các đảng viên mạnh dạn trao đổi, thảo luận, bày tỏ hết ý kiến của mình. Các ý kiến phải được tôn trọng, tổng hợp, xem xét trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cần lưu ý, dân chủ phải đặt trong tổ chức, có kỷ luật, kỷ cương. Không được lợi dụng dân chủ trong tự phê bình và phê bình để đả kích, nói xấu nhau, hoặc dân chủ hình thức, mang tính chất xuôi chiều.

Thứ ba, trong tự phê bình và phê bình phải đảm bảo khách quan, trung thực, thẳng thắn nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, không nể nang, né tránh, không có vùng cấm, nhưng phải có lý có tình, trên tinh thần xây dựng; lên án thái độ che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, nể nang hoặc quy chụp, trả thù người phê bình cũng như lợi dụng tự phê bình và phê bình để đả kích, triệt hạ lẫn nhau.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, đảm bảo quyền giám sát, phản biện xã hội của nhân dân. Đảm bảo cơ chế nhân dân tham gia góp ý với Đảng “về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Thứ năm, từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần phải nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu, “luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày” để mọi người noi theo. Khi người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo; tự mình gương mẫu thực hiện trước, sẽ có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy cán bộ, đảng viên làm theo.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tự phê bình và phê bình. Nội dung kiểm tra, giám sát chú ý việc thực hiện nề nếp, nguyên tắc, phương pháp, nội dung, đặc biệt là việc thực hiện dân chủ trong tự phê bình và phê bình; việc khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên…

Trong giai đoạn hiện nay, để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thì một trong những “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình“. Và chỉ có như vậy mới góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vẻ vang,đó là lãnh đạo nhân dân ta “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

Lê Quang Vinh

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang