Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Lượt xem:
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự vận dụng sáng tạo học thuyết của V.I.Lênin vào tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đó là cơ sở lí luận và thực tiễn để Đảng ta đề ra chủ trương, đường lối, chiến lược xây dựng nền quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê, trong Chiến dịch Biên giới, năm 1950. Ảnh: TL
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Người khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, Người kêu gọi: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người hiệu triệu nhân dân cả nước quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh. Đây là một nội dung lớn và sáng tạo trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân là hai lực lượng chủ yếu tiến hành khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng, phối hợp chặt chẽ và bổ sung cho nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Điều đó được thể hiện rất rõ trong quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành chính quyền năm 1945 và tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng chính trị để đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Theo Người: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”. Lực lượng chính trị là cơ sở cho đấu tranh quân sự, đồng thời còn là lực lượng tiến công trực tiếp đánh địch theo các phương thức và nội dung rất phong phú, linh hoạt. Người nhấn mạnh: “Tính chất cách mạng của ta là cách mạng dân chủ mới, cho nên động lực cách mạng gồm có những giai cấp: công nhân, nông dân, tiểu tư sản”; “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất”.
Về lực lượng vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng gồm 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Thực tế lịch sử ở nước ta cho thấy, tổ chức lực lượng vũ trang 3 thứ quân là một mô hình thích hợp. Với mô hình này, kết hợp giữa chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và phát huy được sức mạnh toàn dân đánh giặc. Môhình này đã buộc các đội quân viễn chinh xâm lược phải đương đầu với cả một dân tộc và buộc chúng phải sa lầy trong một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp.
Việc xây dựng bản chất cách mạng, ý thức và trình độ chính trị cho lực lượng vũ trang được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, có hệ thống. Ngườichỉ ra: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Người xác định quân đội ta có 3 nhiệm vụ: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Người chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự cả về chính trị, quân sự, khoa học – kỹ thuật và hậu cần. Người nêu 6 yêu cầu cơ bản đối với người chỉ huy quân sự: “Trí – Dũng – Nhân – Tín – Liêm – Trung”.
Theo Hồ Chí Minh, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải do Đảng Cộngsản Việt Nam lãnh đạo. Người nói: “Đảng và Chính phủ phải lãnh đạo toàn dân, ra sức củng cố và xây dựng miền Bắc tiến dần lên xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp tục đấu tranh để thống nhất nước nhà, trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình, góp phần bảo vệ công cuộc hòa bình ở Á Đông và trên thế giới”. Người khẳng định, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhân dân ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn; làm tròn được nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng, phát triển thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, bảo vệ Tổ quốc là điều kiện, tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, văn bản làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị khóa XII đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 về Chiến lược quốc phòng Việt Nam; Kết luận số 31-KL/TW, ngày 16/4/2018 về Chiến lược quân sự Việt Nam. Việc ban hành nghị quyết, kết luận về Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, là bước phát triển mới về tư duy, nhận thức của Đảng đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra quan điểm chỉ đạo: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời, Đảng ta đề ra mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Về định hướng bảo vệ Tổ quốc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay sẽ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Kim Anh
(Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang)