Bác Hồ với Cần – Kiệm – Liêm – Chính

Lượt xem:

Đọc bài viết

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả mọi người đều thi đua Cần  Kiệm  Liêm  Chính thì mỗi người đều no ấm, sung sướng và đất nước giàu mạnh.

44857125_320425865207556_1066847271913521152_o.jpg
Bác Hồ tham gia lao động, sản xuất. Ảnh : Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai”. Cần thì việc gì khó khăn mấy cũng thành công. Cần có nghĩa hẹp là cho từng người và nghĩa rộng là đối với mọi người, cho cả nước. Cả nước siêng năng thì nước giàu mạnh. Theo Bác “Lười biếng là kẻ địch của chữ Cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Lười biếng thì sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc chung. Người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”.

Thế nào là Kiệm? Bác định nghĩa: “Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Theo Bác: “Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người, có mối quan hệ khăng khít với nhau”. Bác lấy ví dụ: Cần mà không Kiệm thì như cái thùng không đáy, nước đổ vào chừng nào chảy ra hết chừng đó. Kiệm mà không Cần thì như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm, lâu ngày nước trong đó hao dần rồi khô kiệt. Theo Bác, tiết kiệm thời giờ là Kiệm, mà cũng là Cần. Của cải hết có thể làm thêm. Thời gian đi qua không kéo trở lại được. Làm việc gì phải làm nhanh, không nên “nay lần, mai nữa”. Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lâu nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ của người khác.

Bác chỉ rõ, Kiệm không có nghĩa là bủn xỉn. Khi không cần thì nhất định không tiêu dùng. Nhưng khi cần để đạt mục đích lớn thì bao nhiêu cũng vui lòng. Việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn, dại dột, chứ không phải là Kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết chống xa hoa, chống lãng phí thời giờ, tiền của, vật tư… Bác kết luận: “Người yêu nước thì phải thi đua thực hành Cần – Kiệm”.

Thế nào là Liêm? Bác đĩnh nghĩa: “Là trong sạch, không tham nhũng”. Ngày xưa quan không đục khoét dân là Liêm. Đấy là nghĩa hẹp. Ngày nay, nghĩa rộng hơn là mọi người đều phải Liêm. Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Theo Bác, có Kiệm mới Liêm được, vì xa xỉ mà sinh tham lam. Bác cho rằng, tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm. Bất liêm tức là trộm cắp. Để thực hiện chữ Liêm cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên.

Bác nhấn mạnh, để thực hiện được chữ Liêm, cán bộ phải làm trước cho dân theo. Dân phải kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm. Pháp luật phải nghiêm khắc trừng trị kẻ bất liêm, bất kể ở địa vị nào, làm nghề gì. Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ tạo nên tinh thần liêm khiết trong nhân dân.

Thế nào là Chính? Bác viết: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn”. Theo Bác: Cần – Kiệm – Liêm là gốc rễ của Chính. Bác cho rằng, mỗi người chớ tự kiêu, tự đại, luôn luôn cầu tiến bộ, luôn luôn tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình, có nghĩa là tự mình chính trước rồi mới giúp người khác chính được. Chính cũng có nghĩa là yêu quý, kính trọng, giúp đỡ mọi người; không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới.

Theo Bác, để thực hiện Cần – Kiệm – Liêm – Chính cần phải để việc nước trên việc nhà. Phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, không sợ khó nhọc, nguy hiểm. Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì không lợi cho dân, cho nước thì kiên quyết không làm, lợi cho dân cho nước thì dù nhỏ cũng làm.

Bác kết luận: Tất cả mọi người đều thi đua Cần – Kiệm – Liêm – Chính thì mỗi người đều no ấm, sung sướng và đất nước giàu mạnh.

Tuấn Nghĩa

Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang.