Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tư tưởng và sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trở thành kim chỉ nam trong công tác, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm xuyên suốt, thể hiện sự nhất quán “trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.

115-11-21 bac ho.jpg

Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. Ảnh: TL

Ngày 28/1/1941, khi trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Cao Bằng làm điểm dừng chân; xây dựng Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc làm căn cứ địa của cách mạng. Từ đây, Người đã tuyên truyền, cổ vũ đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia phong trào cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đào tạo đội ngũ cán bộ từ những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc thiểu số như Hoàng Văn Nọn, Hoàng Văn Thụ, Dương Đại Lâm… thành những “hạt giống đỏ”, góp phần phát triển phong trào cách mạng.

Trong những ngày đầu cách mạng ấy, dù phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số đã một lòng kiên trung, tin tưởng và theo Đảng, theo Bác Hồ. Không chỉ căm thù bọn giặc ngoại xâm, mà đồng bào dân tộc thiểu số còn nỗ lực gây dựng những viên gạch đầu tiên của phong trào cách mạng, đoàn kết và góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng trở về Thủ đô, Người bày tỏ lòng nhớ ơn công lao của đồng bào: “Tôi luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du. Tôi luôn luôn nhớ đến tình thân mật mà các đồng bào đối với tôi trong những lúc chúng ta gặp gỡ nhau… Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt”.

Tháng 10/1961, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi, Người đã nhấn mạnh 3 vấn đề đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải chú trọng, đó là: (1) Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Ðây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số…; (2) Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay; (3) Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần.

Khi đến dự Hội nghị Tuyên giáo miền núi, tháng 8/1963, Người đã nêu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với miền núi và nhắc nhở các cán bộ tuyên truyền phải ghi nhớ: Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Trong công tác, mỗi cán bộ phải luôn tự hỏi và trả lời được các câu hỏi: Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?; nhất là phải xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Người chỉ thị cho các ngành, các cấp ở Trung ương phải nhận trách nhiệm và có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi về kinh tế cũng như về văn hóa để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trên từng vấn đề cụ thể giữa các dân tộc…

Người còn luôn coi trọng công tác dân vận trong đồng bào: từ việc tuyên truyền đến giáo dục, giúp đỡ để đồng bào nhận thức sâu sắc hơn về ý thức đoàn kết và bình đẳng dân tộc, làm cho đồng bào hiểu được sự cần thiết phải xóa bỏ các thành kiến dân tộc, khắc phục những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất, để từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Trong đó, yếu tố quyết định để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào chính là tinh thần tự nỗ lực, tự phấn đấu vươn lên của mỗi dân tộc. Song cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Đảng, Chính phủ và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, nhất là các dân tộc anh em sinh sống trên cùng một địa bàn, góp phần tạo nên nguồn sức mạnh cộng sinh, tổng hợp, củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của đồng bào, chứ không phải bao biện, làm thay, thủ tiêu tinh thần tự lực cánh sinh của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành kim chỉ nam trong công tác, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm xuyên suốt đó thể hiện sự nhất quán “trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”. Điều đó được Đảng, Nhà nước ta thể hiện rõ trong chủ trương và những quyết sách trong chỉ đạo thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Cụ thể là tập trung cho 3 vấn đề lớn: Xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc thiểu số; xóa mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Nguyễn Hoa

(Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang)