Chủ tịch Hồ Chí Minh với xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa

Lượt xem:

Đọc bài viết

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn canh cánh việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Người từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.

23-11-21 dt_27320211258_untitled-2.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ, tháng 1/1967.Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người có vai trò rất quan trọng, là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ ra “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”; “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Vì con người là mục tiêu, là động lực của cách mạng, nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người.

Con người mới xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, trên lập trường của giai cấp công nhân. Con người mới xã hội chủ nghĩa phải có đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chân thành, lối sống trong sáng, có khát vọng mới, hướng tới hạnh phúc, tự do. Con người mới xã hội chủ nghĩa phải có lòng vị tha, bao dung, thương yêu con người, tôn trọng nhân cách con người và coi trọng đạo lý làm người.

Con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt, có quan hệ biện chứng và gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp truyền thống của người Việt Nam và phương Đông. Hai là,hình thành những phẩm chất mới, đó là có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đạo đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên; có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất, nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa không phải tự nhiên mà có, nó được hình thành và hoàn thiện thông qua cuộc sống, lao động, sự rèn luyện của con người và giác ngộ của tổ chức. Người nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Điều này cần được hiểu là ngay từ đầu phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng con người có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, làm gương, lôi cuốn xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao; là trách nhiệm của Đảng, Chínhphủ, gia đình và của chính bản thân mỗi người.

Để thực hiện chiến lược “trồng người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho con người. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến con người. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. “Trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều”, “việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”…

Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng ta về sự nghiệp “trồng người”, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đối với sự nghiệp “trồng người”. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đấ t nước, đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học…”.

Ngày 9/6/2020, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trungương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kết luận yêu cầu: “Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng giai đoạn 2021-2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện luôn là quan điểm nhất quán, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng các thế hệ người Việt Nam có tài năng, trí tuệ, phẩm chất để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Kim Anh

(Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang)