Chủ tịch Hồ Chí Minh với xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có nhiệm vụ phải xây dựng một Hiến pháp dân chủ. Người chủ trương xây dựng ở Việt Nam một nhà nước dân chủ cộng hòa, một nhà nước do nhân dân lao động làm chủ  Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

baoin195201611.jpg

Bác Hồ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa III, năm 1964. Ảnh: TL

Về Nhà nước của dân, quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là xác lập tất cả mọi quyền lực trong tay Nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Ngay sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Người nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự lựa chọn những người có đức có tài để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử”. Đây là lần đầu tiên công dân Việt Nam có quyền ứng cử và bầu cử. Hiến pháp năm 1946, nêu rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của nhân dân Việt Nam. Việc nước là việc chung, mỗi một con người con rồng cháu tiên, bất kỳ già trẻ gái trai, giàu nghèo, nòi giống, tôn giáo đều phải gánh vác một phần”.

Đối với Hồ Chí Minh, xây dụng một nhà nước của dân không chỉ trong ý tưởng, thiết kế, mà phải bằng hành động thực tiễn. Điều quan trọng nhất là mọi việc từ nhỏ đến lớn, Người đều tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Hồ Chí Minh đã nêu lên quan điểm “dân là chủ và dân làm chủ”. Dân là chủ có nghĩa là xác định vị thế của nhân dân; còn dân làm chủ nghĩa là xác định quyền, nghĩa vụ của nhân dân. Trong Nhà nước của dân, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ. Bằng thiết chế dân chủ, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền làm chủ của dân, để cho dân thực thi quyền làm chủ của mình trong hệ thống quyền lực của xã hội.

Nhận thức rõ vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng Nhà nước do dân. Điều đó có nghĩa là nhân dân không chỉ là người lập ra Nhà nước, mà phải tham gia vào những công việc quản lý nhà nước. Người nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân làm chủ…” và “Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân tổ chức. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều là ở nơi dân”. Nhà nước do dân tức là nhân dân phải tham gia vào công việc của Nhà nước, công việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của quần chúng nhân dân. Người khẳng định: “Dân như nước, mình như cá”, “Lực lượng nhiều là ở dân hết”, “Công việc đổi mới xây dựng đất nước là trách nhiệm của dân”. Do đó, Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội có hiệu lực, nhất định phải dựa vào dân, dựa vào sáng kiến và trí tuệ của dân. 

Nhà nước do dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là do dân tự làm, tự lo việc thông qua các mối quan hệ trong xã hội, qua các đoàn thể, chứ không phải Nhà nước bao cấp lo thay dân, làm cho dân thụ động ỷ lại, chờ đợi. Người cho rằng: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng tham gia bàn bạc, khó đến mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt…

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong.

Nhà nước vì dân là một nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, ngoài ra không có bất cứ lợi ích nào khác. Đó là một nhà nước trong sạch, không có bất kỳ một đặc quyền đặc lợi nào. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mọi đường lối, chính sách chỉ nhằm đưa lại quyền lợi cho dân, dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố gắng tránh. Dân là gốc của nước”. Người luôn tâm niệm: “Phải làm cho dân có ăn, phải làm cho dân có mặc, phải làm cho dân có chỗ ở, phải làm cho dân được học hành”. Người viết: “Khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được uỷ quyền, uỷ thác cho tôi gánh việc chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày nhẫn nhục cố gắng cũng vì mục đích đó”.

Nhà nước vì dân, theo quan điểm của Hồ Chí Minh là từ Chủ tịch nước đến công chức bình thường đều phải làm công bộc, làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải “làm quan cách mạng” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân” như dưới thời đế quốc, thực dân. Ngay như chức vụ Chủ tịch nước của mình, Hồ Chí Minh cũng quan niệm là do nhân dân uỷ thác cho và như vậy phải phục vụ nhân dân, tức là làm đày tớ cho nhân dân. Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý một chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch nước là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng và cụ thể hóa vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.

Việt Cường

Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang.