Đừng đi ngược lại lợi ích dân tộc!

Lượt xem:

Đọc bài viết

Dẫn nguồn từ trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Vĩnh Thuận
http://tuyengiaovinhthuan.vn/index.php/du-luan-xa-hoi/dung-di-nguoc-lai-loi-ich-dan-toc-486.htm

Đừng đi ngược lại lợi ích dân tộc!
Lẽ đời, người dân dù ở quốc gia nào cũng phải đề trọng hai chữ trung và hiếu. Trung với nước, hiếu với gia đình, ông bà, cha mẹ. Vậy mà không ít người thậm chí một số linh mục, chức sắc dẫu đang hưởng bầu không khí thanh bình trên quê hương đất Việt lại lên mạng xã hội xuyên tạc vu cáo, đi ngược lại lợi ích, danh dự của đất nước, của dân tộc. Vụ việc 39 người Việt thiệt mạng trong một công-ten-nơ tại Anh một lần nữa làm lộ rõ bản chất của những người này.

Vẫn chiêu trò “mượn gió bẻ măng”

Mới đây, vụ 39 thi thể phát hiện trong công-ten-nơ đông lạnh tại hạt Essex, Vương quốc Anh đã khiến dư luận thế giới bàng hoàng. Sau những nỗ lực của cả hai quốc gia Anh và Việt Nam, 39 nạn nhân được xác định là người Việt, được hai nước phối hợp thực hiện các thủ tục bảo hộ công dân và giải quyết việc đưa thi thể nạn nhân về nước. Những cái chết nơi xứ người, nhất là trong những trường hợp di cư như vậy, việc phối hợp đưa thi thể nạn nhân về quê hương phải qua nhiều công đoạn, khó khăn về thời gian, không gian, địa lý, các thủ tục ngoại giao… Trong bối cảnh đó, không gì hơn là sự sẻ chia, động viên về tinh thần tới những gia đình đang có thân nhân được nhận định liên quan đến vụ việc tang thương này.

Thật đau lòng, ngay khi xảy ra vụ việc, khi thông tin còn chưa rõ ràng thì trên mạng in-tơ-net, nhiều người đã vội vàng đưa ra những bài viết, phán xét, lời lẽ đi ngược với tình nghĩa đồng bào, đi ngược với đạo đức, lối sống, đạo làm người. Nhiều đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí cũng ngay lập tức tranh thủ, lợi dụng vụ việc để đổ lỗi, vu cáo chính quyền; phê phán chính sách đưa người đi lao động tại nước ngoài (xuất khẩu lao động – XKLĐ) của Nhà nước Việt Nam. Họ lan truyền những tấm hình vốn là khẩu hiệu về việc khuyến khích đưa người đi XKLĐ: “XKLĐ là thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”; “Muốn thoát nghèo, hãy tham gia XKLĐ”; “XKLĐ là giảm nghèo nhanh hơn”…

Bằng việc suy diễn rất khập khiễng vụ việc với chính sách XKLĐ của Nhà nước, của các địa phương rồi quy kết tai nạn, thảm kịch là do… đường lối sai, do bị chính quyền “xúi giục”. Một số bài viết khơi lại vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường rồi nói rằng, vì chính quyền bao che cho doanh nghiệp nước ngoài xả thải nên đẩy người lao động vào cảnh bần cùng, buộc phải bươn chải ra nước ngoài kiếm sống, để rồi dẫn tới vụ việc đau lòng ở Anh! Trong khi đó, không ít đối tượng lại liên hệ với tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay, về việc xử lý những quan chức tham nhũng, nói rằng giờ ở trong nước “quan ăn hết, dân không còn gì” nên phải tha phương cầu thực, bỏ đi xa xứ dù biết là hiểm nguy, bỏ mạng. “Mượn gió bẻ măng”. Nhiều người đã có tư tưởng cổ suý cho những quan điểm lệch lạc rằng, đã độc lập, tự do rồi, sao lại phải trốn đi nước ngoài lao động, từ đó tung ra những luận điệu mang tính thù hận rằng người Việt ra đi vì không chịu được với hoàn cảnh trong nước, vì chế độ, vì mất tự do, dân chủ, mất niềm tin… Họ so sánh sự việc này với thực cảnh nhiều người Việt rời đất nước ra đi sau năm 1975 (dạng “thuyền nhân”) với những lời lẽ rất tiêu cực về đất nước.

Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, địa phương có nhiều nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc, một số linh mục vốn có nhân thân chống đối chính quyền, tìm cách xuyên tạc, vu cáo chính quyền, miệt thị chế độ; tán phát thông tin chính quyền địa phương “gây khó dễ cho gia đình nạn nhân” và “ép buộc gia đình các nạn nhân nộp tiền để đưa xác về” nhằm kích động sự phản ứng, chống đối chính quyền. Trên facebook cá nhân, linh mục Anton Đặng Hữu Nam dẫn lại bài viết với nội dung xuyên tạc bản chất, động cơ con đường tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Linh mục Đặng Hữu Nam vu cáo rằng, học tập theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã “ra nước ngoài để tìm đường kiếm việc”, từ đó đổ lỗi cái nghèo, đói tại Việt Nam là do thể chế, là do Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây không phải là lần đầu linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Mỹ Khánh, giáo phận Vinh có những lời lẽ như vậy.

Thực tế, hành động của Nguyễn Hữu Nam cũng như một số linh mục khác tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã đi ngược lại với Tâm tình mục tử của Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long. Chính Giám mục Nguyễn Hữu Long trong sự việc 39 người thiệt mạng tại Anh đã nói rằng: “Quê hương chúng ta, tuy còn nghèo khó trăm chiều, vẫn là người mẹ hiền luôn ôm ấp nuôi dưỡng đàn con và dạy bảo đàn con hãy hiệp thông liên đới với nhau. Do đó, mỗi người chúng ta hãy trả lời cho câu hỏi: Chúng ta đã quan tâm chia sẻ và giúp đỡ nhau tới mức độ nào?”. Vậy mà Đặng Hữu Nam và một số linh mục đã không làm đúng với chính lời răn dạy bề trên của mình.

Cần nhìn nhận khách quan, thấu đáo

Đạo nghĩa, truyền thống dân tộc là gì? “Thương người như thể thương thân”, “nghĩa tử là nghĩa tận”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”…

Trong lúc bao gia đình còn đau đáu ngóng tin con, buồn bã, đau lòng khi con em mình bỏ mạng nơi xứ người, chúng ta cần sự chia sẻ, sự cảm thông, động viên, giúp đỡ. Như thế mới là đạo nghĩa, là lẽ sinh tử ở đời. Sao trong lúc hoang mang như thế, lại đi phân tích, mổ xẻ, bình phán, miệt thị, xúc xỉa ở đây, lại đưa những sự suy diễn, quy kết không đúng lẽ, hợp tình?. Nhiều người dân cũng lên tiếng đề nghị “xin đừng phán xét” các nạn nhân và đặc biệt là không thể vin vào đó để nói rằng họ là nạn nhân của chế độ, rồi vu cáo sự lãnh đạo của Đảng khiến người dân “bỏ nước ra đi”. Nếu sự thật như vậy, liệu rằng hơn 90 triệu người dân vẫn đang sinh sống, làm việc để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh là minh chứng cho điều gì?

“Dù người nước nào thì vẫn xót xa, đau lòng, tin này không có thì tốt hơn. Xin được thắp nén hương cho người đã khuất. Họ bị bọn buôn người vẽ vời viễn cảnh ở nước Anh hay nước nào đó ở châu Âu kiếm tiền rất dễ dàng, bỏ tiền ra đi lấy lại cũng nhanh, được thay đổi cuộc đời. Họ đi vì thiếu hiểu biết. Một số kênh Youtube của người Việt Nam ở hải ngoại đổ thừa, lên án Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn sai lạc. Sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nếu có người Việt Nam thì phải điều tra ráo riết. Tôi nghĩ không có chính quyền nào muốn công dân của mình vượt biên trái phép sang nước khác. Kinh tế Mê-hi-cô hơn Việt Nam, vì sao dân của họ vẫn vượt biên sang Mỹ, đã bao nhiêu người chết vì vượt qua sa mạc, đâu phải chính quyền Mê-hi-cô xúi họ làm điều đó. Nhiều nước khác nữa, chính quyền đâu có khuyến khích… Xã hội nào cũng có mặt tốt và mặt xấu, với nước Mỹ cũng vậy. Những người ở đây làm youtube chống cộng đều nói xấu Việt Nam, không bao giờ họ nói xấu đất nước họ đang sống, không bao giờ nói mặt xấu của nước Mỹ mà chỉ có khen điều tốt” – ông Nguyễn Hồng Phúc – một người Mỹ gốc Việt trả lời phỏng vấn của trang Trust Media Network ngày 26-10-2019 trong videoclip “Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng”. Ngày 5-11, trước Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các nước liên quan xác minh, làm rõ, có biện pháp bảo hộ công dân, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thư chia buồn, bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định rõ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam tích cực phối hợp với Vương quốc Anh để giải quyết vụ việc, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, xử lý hiệu quả tình trạng này. Do vậy cần nhìn nhận thấu đáo cả về đạo lý và pháp lý.

Thứ nhất, không thể lấy vụ việc này để so sánh, phê phán chính sách XKLĐ của Đảng, Nhà nước. Chính sách XKLĐ của Đảng, Nhà nước đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị và quy định trong Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đối với vụ 39 nạn nhân thuộc trường hợp di cư bất hợp pháp, người lao động đã rơi vào đường dây đưa người trốn ra nước ngoài, bị thao túng bởi các đường dây buôn người quốc tế. Việc so sánh vụ việc với chính sách XKLĐ của Đảng, Nhà nước là hết sức sai lệch về bản chất. Tuy nhiên, dù bị nạn theo cách nào, con đường nào thì các cơ quan chức năng Việt Nam cũng bằng trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để phối hợp với các cơ quan sở tại, xác định danh tính, làm các thủ tục giải quyết. Do vậy cần phải nhìn nhận vụ việc một cách thấu đáo, khách quan.

Thứ hai, lấy cớ vụ việc để phê phán, miệt thị chế độ là hành động vừa trái luân thường đạo lý, vừa phạm pháp. XKLĐ là chính sách phát triển của nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Không thể xuyên tạc việc người lao động ra nước ngoài làm việc là vì mất niềm tin, không có chỗ sống, làm việc trong nước, càng không thể nói theo kiểu nước nhà độc lập, tự do, sao dân phải xa rời quê hương. Hiện nay, hoạt động XKLĐ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Đồng thời, hoạt động này đã tạo cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội làm việc, tìm kiếm được nguồn thu nhập tốt. Đương nhiên, trong thực hiện đưa người đi lao động ở nước ngoài cũng còn những bất cập, lỗ hổng; quá trình đi lao động còn hiện tượng lừa đảo, lợi dụng, những rủi ro, tai nạn ở nước ngoài.

Thứ ba, cần nhìn nhận vụ việc thấu đáo cả về đạo lý và pháp lý. Đối với những người ra đi bất hợp pháp, sa vào các đường dây đưa người vượt biên, trốn ở lại nước ngoài, đây là thực tế đang xảy ra ở một số địa phương. Có thể, nhiều người đã nghe, tin vào những lời đường mật về cuộc sống, thu nhập tươi đẹp hơn khi đến Anh quốc hay những nước tư bản phát triển khác mà đã dấn thân, bất chấp việc phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ. Ra đi vì đồng tiền, bát gạo mà bỏ mạng nơi đất khách, chúng ta cần sự sẻ chia với mất mát, đau thương tới gia đình thân nhân theo đạo lý, tình nghĩa đồng bào. Về khía cạnh pháp lý, xã hội, đây cũng sự cảnh báo với các gia đình, hãy tỉnh táo trước khi quyết định cho con em ra nước ngoài. Mọi trường hợp tìm cách vượt biên đến, ở lại nước ngoài bằng con đường phi pháp phải được khuyến cáo, ngăn ngừa. Nó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, từ sức khoẻ tới tính mạng, do đó cần tỉnh táo trước những cám dỗ, đường mật của những đối tượng trong đường dây đưa người trốn ra nước ngoài, cảnh giác với nạn buôn người đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Thứ tư, vụ việc xảy ra là tai hoạ và nó từng xảy ra trong vấn đề di cư, nạn nhân có thể là người của bất cứ quốc gia nào có người di cư, đặc biệt là di cư bất hợp pháp. Trên hành trình nhập cư lậu, người di cư đối mặt với cơ chế kiểm soát biên giới khá phức tạp của cả Anh lẫn EU và dĩ nhiên cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ kèm theo khác. Đã từng có những di dân như Carlito Vale, Jose Matada và Mohammed Ayaz được cho là đã ngã và tử nạn từ phần khung gầm của máy bay sau khi trốn ở đó với hi vọng nhập cảnh lậu thành công vào Anh. Cho tới nay, uớc tính có khoảng 1.080 người đã chết trong hành trình vượt Địa Trung Hải để đến được châu Âu. Đó là những cái chết không phải do tai nạn, cũng không phải chuyện chỉ xảy ra một lần… Do vậy, không thể nguyền rủa với bất cứ lý do nhằm đánh đổi lợi ích, danh dự của đất nước, của dân tộc nhằm mưu cầu chính trị, trục lợi cá nhân.

Minh Đăng