Học tập và làm theo phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lượt xem:
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm, năm 1960. Ảnh: TL
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những đức tính không thể thiếu trong phong cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo, quản lý. Đó là cơ sở để hình thành hành vi đạo đức đúng đắn, một tâm hồn hướng thượng “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Người chỉ rõ mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu gương trên 3 mối quan hệ là với mình, với người và với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, biết lắng nghe, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống; trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để cấp dưới và quần chúng noi theo. Theo Người: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”; “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những cán bộ “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”. Nhân dân không bao giờ tin cậy những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo. Người khẳng định: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người cũng chỉ ra, muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh“. Ảnh: TL
Để nêu gương đạt kết quả cao, Hồ Chí Minh chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Người yêu cầu, trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em. Trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng tốt để có đời tư trong sáng, là tấm gương giúp người khác nhìn vào đó mà noi theo, qua đó làm tăng thêm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương, Đảng ta đã không ngừng xây dựng và chăm bồi đội ngũ cán bộ các cấp vừa “hồng”, vừa “chuyên”, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải chú trọng quán triệt, tập trung làm tốt 3 vấn đề là học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Theo Tổng Bí thư, phải phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa 3 nhiệm vụ này, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để cấp dưới và nhân dân noi theo;phải có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Tư tưởng, phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam”, là những chỉ dẫn rất cần thiết và quý báu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta. Học tập và làm theo phong cách nêu gương của Người, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trần Anh
Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang.