“Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến hoạt động báo chí. Đây là bộ phận rất quan trọng và rất cần thiết trong công tác tư tưởng của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí là “một mặt trận”, người làm báo “cũng là chiến sĩ”, cây bút, trang giấy chính là “vũ khí sắc bén” của người làm báo.

8-10-21 CT HCM.jpg
Bác Hồ đọc báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL

Dù trăm công ngàn việc giành cho kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến hoạt động báo chí và bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo cách mạng. Đối với những người làm báo, xem Bác là người thầy vĩ đại trong nghiệp làm báo của mình, không chỉ do Bác là người khai sinh nền báo chí cách mạng nước nhà, mà chính Bác cũng là một nhà báo – Nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam và thế giới. Mặc dù vậy, chưa bao giờ, Bác nhận mình là nhà báo! Bác chỉ tự nhận mình là người “có duyên nợ” với báo chí. Bác cho rằng, công việc viết báo của Bác chỉ có một mục đích là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Trò chuyện thân mật với các đại biểu tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Bác nói: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy”. Điều đó đã chứng minh, nghiệp làm báo của Bác chính là để phục vụ cách mạng, phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân và chỉ một mục đích to lớn nhất và duy nhất là giành độc lập, tự do cho dân, cho nước.

Những lời dạy làm báo của Bác hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự nóng bỏng mà những người làm báo chúng ta hôm nay đều phải học tập và làm theo Bác suốt đời. Đó là những điều mà Bác đã dạy người làm báo chúng ta về nhận thức chính trị và cả nghiệp vụ làm báo. Bác từng căn dặn, người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và cách mạng. Bác nhấn mạnh: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.

Lời dạy của Bác không lý luận dài dòng, cách viết của Bác cũng rất thực tế, rất ngắn gọn, rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học… Kinh nghiệm đó, chính Bác rút ra từ thực tiễn trong những năm bôn ba hải ngoại hoạt động cách mạng đến khi Bác trở về Trung Quốc thành lập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí và sáng lập Báo Thanh Niên – Cơ quan ngôn luận của tổ chức cách mạng này.

Khi các nhà báo xin Bác chỉ dạy kinh nghiệm làm báo, Bác ân cần chia sẽ như những người bạn đồng nghiệp. Bác tâm sự: “Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam”.

Năm 1949, giữa lúc toàn Đảng, toàn quân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác chỉ đạo thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại ATK (an toàn khu) Thái Nguyên và mở ngay lớp dạy viết báo đầu tiên với thời gian 3 tháng. Do hoàn cảnh chiến tranh không cho phép nên trường này cũng chỉ mở được duy nhất một lớp viết báo vào năm 1949. Bác giao Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp định hướng nội dung, đề cương bài giảng. Những người trực tiếp tham gia giảng dạy là đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Trần Huy Liệu… và các nhà báo cách mạng có nhiều kinh nghiệm.

Trong thời gian tổ chức lớp học 3 tháng, Bác đã 2 lần viết thư thăm hỏi, động viên và có những lời dạy thiết thực, không chỉ cho học viên mà Bác còn dạy cho tất cả những người làm báo cách mạng Việt Nam. Bác chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của tờ báo là “tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức quần chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”. Mục đích chung đó được Bác lý giải tường tận là phục vụ cho “kháng chiến và kiến quốc”. Để “kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công”, theo Bác, báo chí phải định hướng “đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc”, chính vì vậy đối tượng của tờ báo cũng phải đáp ứng yêu cầu là “đại đa số quần chúng”. Bác nhấn mạnh: “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”.

Đến khi kết thúc lớp dạy viết báo đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác lại viết tiếp bức thư thứ 2, gửi nhà trường và các học viên nhân ngày bế giảng 12/9/1949. Trong thư, Bác cho rằng, 3 tháng học làm báo chỉ là “học cửu chương”. Bác dạy, làm báo phải không ngừng học tập, “muốn giỏi phải học nữa, học mãi”. Bác chia sẻ phương pháp học làm báo là không chỉ học ở trường mà đủ, muốn làm báo giỏi thì phải “học trong xã hội, nơi công tác, học ở quần chúng”. Bác lưu ý: “Nếu bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại là các bạn chưa thành công”.

Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (1962), khi chia sẻ kinh nghiệm viết báo, Bác dạy: “Mỗi khi định viết một bài báo thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem ? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Và khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa dùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt rồi””.

Trong những lần nói chuyện thân mật với các nhà báo, Bác luôn khiêm tốn, chưa bao giờ xem mình là thầy hay là nhà báo. Bác chỉ xem mình là bạn bè, là đồng nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghề làm báo để cùng nhau tiến bộ mãi.

Bác Hồ của chúng ta – Người đồng nghiệp của những người làm báo cách mạng Việt Nam đã đi xa, nhưng sự nghiệp báo chí của Người vẫn luôn sống mãi trong suy nghĩ và hành động của những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Đoàn Hồng Phúc

Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang.