Phong cách sống Hồ Chí Minh
Lượt xem:
Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người, thể hiện một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn. Đó là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản, một nhà văn hóa lớn.
Bác Hồ đi công tác tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL
Nét chung trong phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất mực giản dị, thanh cao, đạm bạc trong đời sống vật chất, nhưng lại vô cùng phong phú về những giá trị đạo đức – tinh thần; chứa chan tình yêu thương con người, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp… với những rung động, nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, thể hiện những nội dung chính sau:
Phong cách sống cần, kiệm, liêm, chính:
Trong cả lời nói và việc làm, Hồ Chí Minh luôn luôn tự mình thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Về ăn, khi ở Pari hoa lệ hay lúc về hoạt động bí mật tại vùng Pác Bó, kể cả khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn thích lối ăn đạm bạc, mang tính truyền thống quê hương. Có “của ngon, vật lạ”, Người thường không ăn một mình, mà san sẻ đều cho những người cùng đi, để phần cho người đi vắng. Khi ăn xong, bao giờ Người cũng sắp xếp lại mâm bát cho gọn ghẽ, thể hiện sự tôn trọng đối với người phục vụ mình. Về mặc, quần áo và cách mặc của Bác Hồ vô cùng giản dị, gần gũi và thân quen như mọi người xung quanh mà vẫn lịch sự, tao nhã. Khi ở miền núi, Người mặc bộ đồ chàm như ông ké người Nùng. Đến với nông dân, Người mặc bộ cánh nâu, khăn mặt vắt vai như một lão nông. Đi chiến dịch, Người mặc bộ quân phục như một chiến sĩ. Hành trang của vị Chủ tịch nước, là thượng khách của nước Pháp, cũng chỉ có vài bộ quần áo ngoài, một bộ bằng kaki, một bộ bằng dạ cùng vài bộ đồ lót, vừa xếp gọn trong chiếc vali nhỏ. Dùng lâu, quần áo đã cũ, sờn nhưng Người vẫn không chịu cho may bộ mới. Về chỗ ở, Hồ Chí Minh đề ra là gần gũi với thiên nhiên: “trên có núi, dưới có sông; có đất ta trồng, có bãi ta chơi; nhà thoáng ráo, kín mái, gần dân, không gần đường”. Chính vì vậy mà sau khi giải phóng Thủ đô, về Hà Nội, Người không vào ở trong Dinh Toàn quyền, nói thác là vì “nó có mùi thực dân”! Trong sinh hoạt đời thường, việc gì có thể làm, Người đều tự làm, không muốn phiền người khác. Thật cảm động và gần gũi khi xem hình ảnh dọc đường công tác, Người tắm suối, tự giặt quần áo, phơi lên sào rồi vác vai đi tiếp, bình dị, tự nhiên như một lão nông, thật gần gũi với chúng ta. Mỗi khi đi công tác xuống cơ sở, Bác ít khi báo trước, hoặc yêu cầu địa phương không được tổ chức đón tiếp linh đình. Người dặn, đi như thế này mới thấy sự thật. Nếu báo trước thì không thấy gì hết. Thế rồi địa phương lại lấy cớ ta ăn mà mổ gà, mổ lợn. Đoàn công tác ăn một, cán bộ địa phương ăn hai và kết quả cuối cùng là gì? Nhân dân lại è vai ra mà gánh… Khi đi công tác ở cơ sở, Bác dặn dò các đồng chí ở Văn phòng Chính phủ phải luôn chuẩn bị mọi thứ để ăn trưa nếu làm việc quá giờ.
Phong cách sống hài hòa, kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông – Tây:
Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho – Phật – Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu – Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam. Đoạn văn của cụ Hoàng Đạo Thúy đã khái quát được phong cách đặc sắc ấy: mấy nhà nho cũ thấy Cụ ngồi cạnh cái hòm nhỏ như cái tráp, hí hoáy viết, bảo rằng Cụ là một ông đồ Nghệ. Đeo kính vào nữa thì rõ ràng là một ông đốc học. Những người đi nước ngoài về, hay quen đọc sách Tây, bảo Cụ cực kỳ văn minh, như người châu Âu lịch sự ấy. Nghệ sĩ nghe Cụ nói về một tác phẩm, thấy ngay Cụ là một đồng sự của mình. Cụ tiếp cụ Võ Liêm Sơn, tặng quạt, làm thơ tiễn, thì Cụ là một nhà đạo đức văn chương bậc thầy. Một người Pháp nghe Cụ nói chuyện, cảm thấy như là đến nhà một ông bác ở bên bờ sông Xen. Tay nâng chén rượu chúc mừng, rất trang trọng, mà vung cây đũa đánh nhịp cũng vô cùng là tự nhiên…
Phong cách sống tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên:
Những người được sống bên Bác cho biết, chưa bao giờ thấy Người phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, bình thản trước mọi diễn biến của đất trời, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống. Như mọi trí thức phương Đông khác, những khi rỗi rãi, Người cũng làm thơ – thơ trữ tình – nhiều bài chữ Hán. Trong thơ có trăng có hoa, mai vàng, có hoàng hôn, nắng sớm… Tất cả đều được nhân cách hóa, giao hòa với con người. Điều khác biệt ở Người là “tiên” mà không thoát tục, vẫn luôn gắn bó với dân, với nước, vẫn theo đuổi khát vọng nhân văn cao cả.
Khi đã ngoài 70 tuổi, tuy vẫn còn minh mẫn, nhưng sức khỏe đã kém đi và đang giữ trọng trách lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Người chủ động từng bước chuyển giao cho lớp kế cận đã được đào tạo. Người chủ động viết Di chúc với những lời dặn dò tâm huyết với Đảng; để lại muôn vàn tình thương cho bộ đội, chiến sĩ, thanh niên, thiều niên và nhi đồng, lời chào và sự mong muốn đoàn kết với bạn bè quốc tế… Người công khai nói lên một ước muốn và một điều tiếc…; tất cả đều là từ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Chúng ta thấy phong cách sống của Bác giản dị, thanh cao, dễ học, dễ làm theo, ai cũng có thể thực hành trong cuộc sống của mình, làm được điều đó sẽ giúp ích cho mỗi người, cho cộng đồng và xã hội.
Nguyễn Thanh Phong
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang