Phong cách tư duy Hồ Chí Minh
Lượt xem:
Hồ Chí Minh là người mác xít, phong cách tư duy của Người trước hết là phương pháp biện chứng duy vật; xuất phát từ thực tiễn để trở lại biến đổi thực tiễn. Hồ Chí Minh đã thể hiện một phong cách tư duy khoa học và hiệu quả với những đặc trưng nổi bật.
Bác Hồ làm việc ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL
Phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại: Từ cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu của thực tiễn và điều kiện lịch sử, Người đã vượt qua các lớp sĩ phu yêu nước tiền bối, sớm nhận thức được những vấn đề của thời đại mình. Phong cách tư duy mới đã giúp Nguyễn Ái Quốc có quyết định đi sang phương Tây để tìm đường cứu nước. Nhờ đó, Người đã có dịp sống ở những trung tâm văn hóa – khoa học – chính trị nổi tiếng của thế giới thời đó, như Niu Oóc, Pari, Luân Đôn, Matxcơva…, tiếp xúc, hoạt động gần gũi với những đại diện xuất sắc của trí tuệ thời đại bấy giờ – các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhà hoạt động chính trị, cách mạng nổi tiếng…, nhanh chóng trưởng thành về nhiều mặt, trong đó có tư duy biện chứng và hiện đại.
Nhờ có phong cách tư duy đó, cùng với sự cần cù chịu khó, óc quan sát và suy nghĩ từ thực tiễn, Hồ Chí Minh đã tự trang bị cho mình một vốn học vấn sâu rộng và chắc chắn, để trở thành một trí thức tự học, nhưng uyên bác về nhiều mặt. Đó là phong cách tư duy không tiếp thu một cách thụ động, không dừng lại ở sự vật, hiện tượng bề ngoài, mà đi sâu phân tích, so sánh, chắt lọc, lựa chọn, tổng hợp, rút ra những phán đoán, đi tới những kết luận mới, đề ra những luận điểm mới, vừa kế thừa, vừa phát triển sáng tạo để tiếp tục vượt lên phía trước. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã bắt kịp với nhịp sống và sự phát triển của thời đại, để có thể lựa chọn đúng đường đi cho dân tộc và dự kiến được những bước phát triển mới của lịch sử.
Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo: Đó là phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Hồ Chí Minh đã không ngừng làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn văn hóa – tư tưởng của nhân loại. Người đã tìm hiểu, tiếp thu những yếu tố dân chủ, tiến bộ, nhân văn của các học thuyết khác, theo tư tưởng chỉ đạo của V.I.Lênin: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”. Tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc di huấn của các bậc thầy cách mạng vô sản, không hề coi lý luận của C.Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, mà phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của C.Mác. Vì lý luận này chỉ đề ra nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy, thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga. Đó chính là quan điểm thực tiễn, cơ sở của sự sáng tạo.
Phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình: Thể hiện rõ nhất của phong cách tư duy này ở Hồ Chí Minh là luôn biết xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. Người từng viết: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau: Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”; hay “Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”.
Để đàm phán, thuyết phục đối phương đi tới đồng thuận, Người thường lập luận trên cơ sở nguyên tắc về tính thống nhất của nguyên lý. Người viết: “Quyền độc lập tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của những nghĩa sĩ và đoàn kết của toàn quốc dân mà xây dựng nên. Vậy nên, những người chân chính ham chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”. Trong Thư gửi những người bạn Pháp ở Đông Dương năm 1946, Người viết: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do…, chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”.
Với phong thái tư duy này, Hồ Chí Minh phê phán thói “kiêu ngạo cộng sản”. Người nói: “Vì chúng ta đều là con của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, chúng ta chỉ biết trung thành với giai cấp vô sản, quyết tâm đấu tranh cho nhân dân. Thế thôi”. Hồ Chí Minh coi công việc chúng ta đang làm hôm nay – giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, bảo vệ Tổ quốc là sự nối tiếp sự nghiệp cha ông đã mở ra từ mấy nghìn năm trước. Người nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Vì “cuộc chiến đấu hiện thời của chúng ta chỉ là kết tinh của cuộc trường kỳ để kháng chiến mà ông cha, anh em chúng ta đã tiếp tục trong 80 năm Pháp thuộc”.
Sự hài hòa, uyển chuyển, lý tưởng và đạo đức nhân văn thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người. Bản thân Lời kêu gọi có sức mạnh giục giã như lời hịch của núi sông, thôi thúc mọi người cầm vũ khí, đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng lại được viết bằng những lời lẽ rất hòa bình, nhân danh chính nghĩa mà chiến đấu, không hề có một chữ nào nói đến căm thù và chém giết. Trong thư gửi tướng R.Salan – người từng tháp tùng Hồ Chí Minh trong chuyến thăm nước Pháp -vừa được cử làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp thay tướng J.Valuy, Người viết “…chúng ta đã là những người bạn tốt. Nhưng hoàn cảnh ngoài ý muốn đã biến chúng ta thành hai kẻ đối địch. Điều đó thật đáng tiếc”.
Học phong cách tư duy của Bác, giúp chúng ta có phương pháp tiếp cận vấn đề từ gần đến xa, từ đơn giản đến phức tạp, từ bên ngoài đến bên trong, từ hiện tượng đến bản chất sự việc để chúng ta có cách thức ứng xử, giải quyết hợp lý, hiệu quả trong công việc, trong đời sống hằng ngày. Mỗi sự việc, hiện tượng đối với mỗi người có thể có các cách tiếp cận khác nhau, nhận thức về chúng khác nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Nếu mỗi chúng ta có phương pháp tư duy hợp lý sẽ mang lại cho mỗi người những hiệu quả thiết thực để ứng xử trong cuộc sống.
Nguyễn Thanh Phong
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang