Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đoàn kết; đặc biệt là trong Di chúc của Người, tư tưởng đoàn kết luôn được thể hiện xuyên suốt.   

3-11-21 IMG_1302.jpg

Tỉnh Kiên Giang tổ chức họp mặt khối đại đoàn kết dân tộc, nhân dịp Xuân Canh Tý 2020. Ảnh: Mai Tưởng

Mỗi khi đọc các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn thấy sáng ngời tư tưởng đại đoàn kết của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam một cách khách quan và khoa học, vừa phát huy được truyền thống đoàn kết của dân tộc, vừa phù hợp tư duy của thời đại. Chính vì lẽ đó mà tư tưởng đoàn kết của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi tỏa sáng, đồng thời soi đường cho dân tộc ta vững bước trên con đường đến với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nguồn gốc hình thành từ nhiều yếu tố được kết tinh lại, đó là truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại và chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Người, đoàn kết có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, từ khi được thành lập đến nay, Đảng ta luôn xác định đoàn kết là tư tưởng chiến lược cách mạng lâu dài và nhất quán.

Trong toàn bộ 1.921 bài nói chuyện, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”, có tới 839 bài Người đề cập đến vấn đề đoàn kết. Cũng trong bộ sách trên, đã có tới 1.809 lần xuất hiện cụm từ “đoàn kết”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết trước hết là phải đoàn kết trong Đảng. Vì Đảng ta “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu chỉ có đoàn kết trong Đảng không thì chưa đủ và cách mạng không thể thành công được, mà cần phải đoàn kết nhân dân trong cả nước. Chính vì vậy, trong Di chúc thiêng liêng, Người đã đặt đoàn kết lên đầu và ngay trong vấn đề “trước hết”. Người viết: “Trước hết nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Để xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững mạnh, Người khuyên đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi, hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến để cùng phấn đấu cho một tương lai tươi sáng. Trong Thư gửi đồng bào Nam bộ, Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc… có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Chủ tịch Hồ chí Minh rất tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào, vì đó điều thiêng liêng trong sâu thẳm tâm linh mỗi con người, là quyền lợi chính đáng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, Người nhắc nhở phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân tộc. Phải đoàn kết giữa đời và đạo, giữa yêu nước và phụng đạo. Dù là lương hay giáo, đồng bào cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã phát huy cao độ vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), đã ban hành Nghị quyết về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”.

Đại hội XII của Đảng đã định hướng về đại đoàn kết toàn dân tộc: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội”.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp trong tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.Trong đó, tập trung nghiên cứu, tuyên truyền những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng đoàn kết; với mục tiêu phát huy tinh thần đoàn kết từ trong nội bộ đến nhân dân; giữa người có đạo và người không đạo; giữa dân tộc này với dân tộc khác; giữa người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài…

Thời gian tới, mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Kiên Giang cần thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm vững, đồng thuận với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó: Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo động lực để nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Chủ động nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, phối hợp xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp. Đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền nhằm kích động, chia rẽ nhân dân với Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát động sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuyên dương những tấm gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Ngô Đức Tín

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang