Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và trăn trở về những hiện tượng tiêu cực trong Đảng và xã hội, mà Người thường gọi là vấn nạn quan liêu, tham ô, lãng phí. Người đã để lại nhiều bài nói, bài viết về đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. 

redsvn-hochiminh-37.jpg

Bác Hồ chủ trì Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, năm 1960. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trước hết là những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng. Sau khi giành được chính quyền, tháng 10/1947, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên sửa đổi lối làm việc, chỉ rõ phải đấu tranh với những hiện tượng thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”.

Người phê phán những đảng viên dao động, thiếu lý tưởng cách mạng: “Nếu chỉ có công tác thực tế, mà không có lý tưởng cách mạng, thì cũng không phải là người đảng viên tốt. Như thế, chỉ là người sự vụ chủ nghĩa tầm thường”. Người yêu cầu: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.

Trong tự phê bình, phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra và đấu tranh với những biểu hiện không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Người nói: “Thái độ của một số khá đông cán bộ là: Đối với người khác thì phê bình đúng đắn, nhưng tự phê bình thì quá “ôn hòa”. Các đồng chí ấy không mạnh dạn công khai tự phê bình, không vui lòng tiếp thu phê bình – nhất là phê bình từ dưới lên, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình… Nói tóm lại: Đối với người khác thì các đồng chí ấy rất “mác – xít”, nhưng đối với bản thân mình thì mắc vào chủ nghĩa tự do”. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh: “Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Người chỉ rõ: “Bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Đồng thời, Người cũng nêu và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện thao túng trong công tác cán bộ, mà Người gọi là óc bè phái: “Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng…”.

Tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”; “Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”.

Để đấu tranh phòng, chống tình trạng trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016 (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII), về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã nêu ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời đề ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện.

Ngày 24/9/2018, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW, về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành bảng phụ lục nhận diện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với 82 biểu hiện cụ thể, để đảng viên liên hệ, xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa và báo cáo chi bộ giúp đỡ, giám sát.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay. Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Việt Cường

Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang.