Vận dụng tư tưởng Hồ CHí Minh vào công tác phụ nữ hiện nay

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, giải phóng phụ nữ và bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. 

18-10-21 anh.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với chị Nguyễn Thị Ráo, thành viên đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội, tháng 2/1969. Ảnh: TL

Trong số các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiều bài Người nhắc đến phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đánh giá đúng vai trò và khả năng của phụ nữ đối với cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Người đã chỉ ra dưới chế độ phong kiến, thực dân, phụ nữ là lớp người bị áp bức bóc lột, bất công, đau khổ nhất. Người xác định giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng cho phụ nữ là một trong các mục tiêu của cách mạng: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.

Dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tham dự nói chuyện tại các hội nghị và đại hội của tổ chức phụ nữ. Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và Nhà nước đã tặng phụ nữ miền Nam Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Ngày 20/10/1966, Đảng và Bác Hồ tặng phong trào phụ nữ Việt Nam danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm – đảm đang – chống Mỹ cứu nước”.

Trong bài nói chuyện nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/1966,Bác Hồ nói: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam – Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Người nhận thấy cán bộ nữ có nhiều ưu điểm: “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Trong bài nói chuyện nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm về công tác phụ nữ nhưng cũng có yêu cầu cao đối với phụ nữ. Người luôn khuyên bảo chị em phải tự cố gắng vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách. Người kêu gọi: Chị em phụ nữ nông thôn thi đuagóp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt. Chị em công nhân và công chức thi đua làm tròn nhiệm vụ của mình. Chị em trí thức thi đua góp phần vào việc phát triển văn hóa. Nữ thanh niên tùy theo cương vị của mình, thi đua học và hành, xung phong trong mọi công việc. Người chỉ rõ cấp trên có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên.

Nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người nói: Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh. Trong Hội nghị Cán bộ phụ nữ miền núi, Người căn dặn chị em phải cố gắng học tập, học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Bác luôn nhắc nhở phụ nữ: “Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Điều đó thể hiện sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn theo sát, cổ vũ các phong trào của phụ nữ.

Khi nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc, Người chỉ ra rằng sau này công tác giáo dục phần nhiều phải do phụ nữ đảm nhiệm. Muốn phụ nữ đảm nhiệm, thì phải bồi dưỡng cho phụ nữ. Nói chuyện tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất, Người nhắc nhở: “Đoàn thể phụ nữ, cơ quan phụ trách cần chú ý dìu dắt, giúp đỡ hơn nữa để nhiều chị em có thể thay cho nam giới trong công việc buôn bán”. Nói chuyện tại Hội nghị Các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, Người căn dặn: Từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương, khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa. Người quan tâm đến những phụ nữ có con nhỏ và để tạo điều kiện cho họ lao động sản xuất: Muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người tiếp tục căn dặn Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo.

Thực hiện quan điểm của Người về công tác phụ nữ, trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 10/1/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 152-NQ/TƯ về một số vấn đề lãnh đạo công tác phụ vận, chỉ rõ: “Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi “trọng nam, khinh nữ”, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết khó khăn trở ngại của phụ nữ…”.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phụ nữ đã và đang được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa và nghiêm túc thực hiện. Đảng ta trong thời kỳ đổi mới đã có nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ nữ, như: Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Nhà nước đã ban hành các luật như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, quy định trách nhiệm của bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ngoài ra còn có các đề án “Tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội giai đoạn 2017-2027″, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025…

Trong quá trình phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc của dân tộc, tạo nên phẩm chất đạo đức tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam thời đại mới là tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang. Trong 4 kỳ đại hội toàn quốc của Đảng gần đây đều có cán bộ nữ tham gia Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư. Khóa XIII, số Ủy viên BanChấp hành Trung ương Đảng là nữ có 19/200 ủy viên, chiếm tỷ lệ 9.5% (khóa XII là 8,83%). Đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là 17,65%; huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc là 12,26%; cấp cơ sở là 24,3%. Tỷ lệ đảng viên nữ tăng theo từng năm.

Phụ nữ luôn giữ vững vai trò, vị thế trong suốt tiến trình đấu tranh giành hòa bình độc lập cho dân tộc. Đến khi đất nước hòa bình, độc lập, phụ nữ tiếp tục hăng hái thi đua khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Trải qua 13 nhiệm kỳ đại hội của Đảng, phong trào phụ nữ cả nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Tuy nhiên, phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nhiều điều kiện thuận lợi song cũng không ít khó khăn, phụ nữ rất cần sự quan tâm của gia đình và xã hội.

Do đó, việc phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của các tầng lớp phụ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng ta. Các cấp ủy đảng, trước hết là của người đứng đầu phải tiếp tục tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đồng thời, bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ, kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Nguyễn Hoa

Bài viết được sưu tầm trên trang tỉnh ủy Kiên Giang.