Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Lượt xem:

Đọc bài viết

Con người là vốn quý nhất, là nhân tố thành công của sự nghiệp cách mạng.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người. Theo Hồ Chí Minh, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Con người là mục tiêu của cách mạng nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người, có thể là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt, lợi ích cả dân tộc và lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và nhân dân. Không phải mọi con người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Chính trị, văn hóa, tinh thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Con người là động lực chỉ có thể thực hiện được khi họ hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

redsvn-hochiminh-26.jpg

Bác Hồ với đại biểu học sinh Trường trung học Trưng Vương, Hà Nội, năm 1956. Ảnh: TL

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa nằm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với nghĩa rộng, vừa nằm trong chiến lược giáo dục – đào tạo theo nghĩa hẹp. Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Điều này cần được hiểu là ngay từ đầu phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng con người có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, làm gương, lôi cuốn xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, gia đình và của chính bản thân mỗi người. Quan điểm của Hồ Chí Minh về con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống (Việt Nam và phương Đông). Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đạo đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ (bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên…); có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng. Chiến lược “trồng người” là một trọng tâm, một bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Để thực hiện chiến lược “trồng người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng nhất. Bởi vì giáo dục tốt tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng đến thanh niên. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. “Trồng người” là công việc trăm năm, không thể nóng vội, một sớm, một chiều, việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền của con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thấn quốc tế chân chính. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Đơn vị sản xuất, học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam.

4. Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết 33) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xác định rõ các đặc trưng xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân – thiện – mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao thượng, nhân văn. Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng. Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam, giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái ác, cái xấu, thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người.

Gần đây, Bộ Chính trị có Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết 33) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó đề cập cụ thể việc xây dựng con người Việt Nam, với các nội dung: Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”. Khẳng định, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

5. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết 33, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu ra những nội dung cụ thể, rõ hơn về các đặc trưng, chuẩn mực của con người Việt Nam: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại. Phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, tính cộng đồng và khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống; kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu). Nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống.

Nguyễn Thanh Phong

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang